Mẫn Linh

Thử sức làm “diễn viên” lồng tiếng

10-06-2020 11:48:42(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Cuộc sống thường mang đến cho ta những điều bất ngờ nếu ta mạnh dạn thử sức, cũng mang đến cho ta kinh nghiệm và bài học quý báu.

图片默认标题_fororder_WechatIMG1952

“Trong một bộ phim điện ảnh nổi tiếng của đạo diễn Trần Mộc Thắng, có một lời thoại như thế này: “Con người, cả đời chỉ cần nỗ lực hết mình cho một lý tưởng cũng là đủ rồi”. Đối với những người trẻ vươn mình ra biển lớn mang trong mình lý tưởng, khát vọng thanh xuân, trên con đường “nỗ lực hết mình cho một lý tưởng ấy” sẽ không thiếu những sự lựa chọn làm cho cuộc sống tràn đầy màu sắc hơn, đối với mình, tham gia Cuộc thi lồng tiếng lần thứ 2 do Câu lạc bộ Nhịp cầu Hán ngữ thuộc Viện Khổng Tử tổ chức chính là một sự trải nghiệm mới mẻ khó quên, không chỉ nâng cao khả năng tiếng Trung, mà còn hiểu được phần nào sự vất vả của những người âm thầm cống hiến sau hậu trường- diễn viên lồng tiếng”.

Đây là tâm sự của bạn Phan Thu Thuỷ, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Truyền thông Trung Quốc ghi trong bài viết đăng trên tập san Cầu vồng Hữu nghị do Đài chúng tôi và Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh cùng xuất bản. Trong chương trình hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu những kinh nghiệm và cảm nhận của bạn Thu Thủy thử sức làm “diễn viên” lồng tiếng tại Cuộc thi lồng tiếng bằng tiếng Trung dành cho người nước ngoài của Học viện Khổng Tử Trung Quốc.

图片默认标题_fororder_WechatIMG1951

3 phút một clip lồng tiếng phải 3 ngày miệt mài chuẩn bị. Công việc “lồng tiếng” không dễ dàng như bạn Thuỷ tưởng tượng. Bạn Thuỷ viết:

“Sau khi điền đơn đăng kí tham gia, mình được lựa chọn 1-3 clip trích đoạn từ các tác phẩm truyền hình, điện ảnh nổi tiếng như Hoàn Châu Cách Cách, Bạn gái cũ – phần 3, Phong vị Trung Quốc trên đầu lưỡi (phim tài liệu),…Khi mới xem qua các clip, nhìn thời gian hiển thị chỉ có 2-3 phút ngắn, mình phấn khởi trao đổi với bạn phụ trách: “Mình có thể đăng kí nhiều clip một lúc được không?” một phần vì bản thân đã quá quen thuộc với nhiều tác phẩm trong danh sách được chọn, một phần quá thích thú với nghề lồng tiếng nên không khỏi có phần vội vàng, hấp tấp. Khi luyện tập mới thấy, để có được một đoạn clip khớp hình khớp tiếng cần trải qua nhiều công đoạn, cụ thể như sau:

Thuộc thoại nhân vật: tuy rằng tốc độ nói của nhân vật không nhanh (tùy theo tiết tấu của phim và tính cách nhân vật), nhưng để phần lồng tiếng khớp với miệng nhân vật, bản thân cũng cần thuộc thoại, nếu cầm giấy đọc thì việc vừa nhìn khẩu hình nhân vật, vừa thuộc thoại sẽ không bắt kịp nhân vật

Kiểm soát hơi thở, ngắt nghỉ: Sau khi thuộc thoại cần chú ý đoạn nào nhân vật nói liền một mạch, đoạn nào nhân vật ngắt nghỉ vì cảm xúc, vì vấn đề nội dung… Lúc này sau khi đã thuộc thoại xong, có thể điều chỉnh lại bằng việc nhìn biểu cảm, khẩu hình diễn viên cho khớp với sự ngắt nghỉ của họ.

图片默认标题_fororder_WechatIMG1943

Nhập tâm nhân vật: nếu chỉ đọc thoại, ngắt nghỉ khớp khẩu hình một cách máy móc thì hiệu quả lồng tiếng không cao, bởi lẽ diễn viên lồng tiếng cần thông qua âm thanh, giọng nói để biểu đạt cảm xúc, thay vì hình ảnh, nét mặt như diễn viên xuất hiện. May mắn là 3 phân đoạn mình chọn đều xem cả bộ rồi, tức là có bối cảnh cụ thể, vậy nên nắm bắt được nguyên nhân dẫn đến cảm xúc của nhân vật, dẫn đến việc nhập tâm không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên có hai phân đoạn của Hạ Tử Vi, Nhĩ Khang trong “Hoàn Châu Cách Cách” và “Bạn gái cũ – phần 3” đều phải khóc lóc, mếu máo, nên mình cũng phải tập nấc, bóp méo giọng cho đúng kiểu giận dỗi, vì vậy cũng mất vài tiếng để luyện đi luyện lại cho thành thục.

Thêm âm thanh đạo cụ: Ở phân đoạn “Bạn gái cũ – phần 3”, phần mở đầu nhân vật uống rượu giải sầu, để cho phong phú, mình cũng lấy cốc nước để uống theo đúng nhịp thở của diễn viên, điều này giúp bản thân hoàn toàn nhập tâm với nhân vật, cũng như khiến phần lồng tiếng trở nên “chuyên nghiệp” hơn”.

图片默认标题_fororder_WechatIMG1922

Trên đây là những kinh nghiệm quý báu trong lồng tiếng của bạn Thu Thủy. Chỉ có dày công chuẩn bị mới có thể trang bị “hành trang” để lên chiến trường. Nhưng, khi ghi hình tại trường quay, không ngờ lại xảy ra một “tai nạn nghề nghiệp”. Bạn Thủy viết:

“Sau khi luyện tập thành thục các bước kể trên, mình hăm hở đến trường quay. Tuy nhiên có một “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra là mình không mang kính dù bị cận nặng, vậy nên khi nhìn vào màn hình lại không nhìn được gì cả, còn khi xem giấy thì lại không kiểm soát được nhân vật đang nói đến đâu. May thay mượn được kính của một anh trong trường quay, nên cảm xúc lo lắng không còn, chỉ chuyên tâm vào việc lồng tiếng. Điều chỉnh độ cao của ghế sao cho tầm nhìn của mắt phù hợp với màn hình, ánh sáng không quá gắt khiến cho mắt bị nheo, hay chuẩn bị đạo cụ (cốc uống nước…) để ở vị trí thuận tiện.

Khi lồng tiếng do lúc đầu mất bình tĩnh nên mình cũng không đuổi kịp thoại nhân vật dù đã học thuộc như cháo chảy từ nhà, phân đoạn “Bạn gái tôi là Sư tử Hà Đông” của Trương Bá Chi và Cổ Thiên Lạc tương đối khó, diễn viên nói liền một hơi không nghỉ tạo cảm giác hài hước nên mình bị díu lưỡi, kết quả phải ghi hình lại mấy lượt mới xong.

Sau khi lồng tiếng 3 phân đoạn, các anh chị hậu trường còn cẩn thận hỏi mình muốn xem lại không, mình xem lại để kiểm tra giọng nói thì lúc đó mới biết có cả phần hình ảnh, lên hình do biểu cảm nhập tâm quá nên khẩu hình bị méo, mặt cũng nhăn nhó, khóc lóc theo nhân vật  không còn chút… hình tượng nào, nên mình xin ghi hình lại lần nữa để đạt hiệu quả như mong đợi”.

图片默认标题_fororder_WechatIMG1921

Thật sự là một từng trải thú vị, phải không các bạn? Thông qua tham dự cuộc thi như vậy, các bạn lưu học sinh không những có thể tăng cường sự hiểu biết đối với ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, mà còn có thêm một trải nghiệm thú vị. Trong phần cuối bài viết, bạn Thủy tâm sự:

“Từ trước nay chỉ biết làm diễn viên phải làm đêm ngày cho kịp tiến độ, nhưng sau khi tham gia cuộc thi này mình mới phát hiện ra, diễn viên lồng tiếng cũng không hề đơn giản, để làm nên một bộ phim gây tiếng vang lớn trong lòng khán giả, mọi khâu từ kịch bản, âm thanh, hình ảnh,...cho đến công tác hậu trường phải vô cùng cẩn thận, vậy nên diễn viên lồng tiếng cũng là những người âm thầm làm nên thành công của các tác phẩm điện ảnh. Đây quả là một trải nghiệm mới mẻ khi 1 ngày được “hóa thân” thành diễn viên lồng tiếng qua cuộc thi do viện Khổng Tử tổ chức”.

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập