Mẫn Linh

Cầu vồng Hữu nghị: Núi rừng tây bắc xuân về

19-03-2020 14:09:01(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Cả thế giới đang vật lộn với dịch COVID-19, nhưng vẫn không thể cản trở nhịp bước của mùa Xuân. Mấy hôm nay, Bắc Kinh phải hứng chịu những cơn gió lớn. Trong dân gian lưu truyền một cách nói, mùa Xuân của Bắc Kinh được gió lớn thổi đến. Vâng, cùng với các cơn gió lớn những ngày qua, hoa đón xuân ở Bắc Kinh đã nở, ánh nắng cũng thêm phần chan hòa. Có lẽ phải sau một vài trận gió lớn, thậm chí chục trận, thời tiết Bắc Kinh mới thực sự chuyển ấm, đón mùa Xuân sang. Mùa Xuân Bắc Kinh phải có gió to, còn xuân quê các bạn là như thế nào? Trong chương trình hôm nay, mời các bạn cùng những dòng văn của bạn Thu Hoài, lưu học sinh Việt Nam tại Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh, đến với “Núi rừng tây bắc xuân về”, cảm nhận sắc xuân Tây Bắc, Việt Nam.

图片默认标题_fororder_6

“Khi mùa xuân tìm về với miền núi rừng Tây Bắc là lúc cả cung đường huyền thoại trải dài bên những triền núi đẹp mê mải trong rừng hoa mơ, hoa mận trắng trời trắng đất, cùng muôn loài hoa khác.

Với nền văn hóa đặc sắc và thân thiện, hiền hòa của đồng bào cùng những bản làng lưng chừng núi nên thơ, cung đường khám phá Tây Bắc mùa xuân được xem là cung đường đẹp nhất trên dải đất hình chữ S.

Không biết tự bao giờ, mỗi khi mùa xuân đến, muôn hoa lại bung nở bạt ngàn khắp núi rừng Tây Bắc. Hoa cải vàng thì cuối tháng mười hai có nơi đã rộ. Giêng hai thì đào mận mỗi thứ một sắc rực rỡ khắp đất trời. Vào đến tháng ba, hoa gạo nở đỏ rực tha thiết cháy bỏng cả núi rừng, hoa ban lấp lóa sáng trên những triền cao. Mỗi khoảnh khắc một loài hoa, một giai điệu núi rừng vang lên da diết trầm bổng và muôn phần tươi đẹp.

Trong các loài hoa Tây Bắc, hoa mận là loài hoa dễ khiến lòng người rưng rưng nhất. Màu trắng bạt ngàn của nó vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa mơ vừa thực. Những triền đồi trồng đầy mận vào mùa hoa nhìn từ xa trắng xóa như những đám mây trên trời đậu xuống bản làng rồi ngủ quên không trở về. Sương giăng bảng lảng mờ mịt càng làm cho những rừng mận trắng thêm tinh khôi và huyền ảo. Hoa mận được ví như nàng công chúa của núi rừng Tây Bắc, vừa e ấp dịu dàng, vừa tỏa sáng vẻ đẹp trong lành như buổi sớm mai.

Hoa đào thì hồng hào tươi sắc. Khác với mận được trồng trên triền núi thành những cánh rừng trắng xóa, đào được trồng vài gốc ở ngoài bản, trước cửa nhà, trên đường đi xuyên qua bản. Hoa đào chỉ để cảm nhận mùa xuân đến, hoa đào chỉ để làm đẹp đất trời, nên không trồng trên diện rộng. Vì thế, vẻ đẹp của đào cũng mỏng manh, yểu điệu từng nhánh từng nhánh trên từng cây.

Trước những ngôi nhà nhỏ mái đã ngả nâu của núi rừng nơi đây, những cội đào bừng sáng sắc hồng tựa như một sức sống mới, báo hiệu một mùa mới căng tràn nhựa sống đang ùa đến. Những đứa bé mắt tròn xoe, ngây ngô đùa vui dưới cội đào, thỉnh thoảng làm rung cành và một cơn mưa hồng nhẹ nhàng rơi xuống đất, khung cảnh thật khiến ngẩn ngơ lòng người.

Hoa cải mọc thành từng cánh đồng, hoa bé li ti có màu vàng nhàn nhạt, chìm trong sương trắng thì rung rinh yếu ớt, nhưng lại vô cùng e ấp dễ thương. Những cánh đồng hoa cải Tây Bắc đôi khi rộng dài thăm thẳm, nhưng cũng đôi khi chỉ là những khóm nhỏ mọc vô tình dưới cội cây già trước cửa những nếp nhà cũ kỹ màu sương khói.

Hoa gạo đỏ rực trông như những đốm lửa ven triền núi, trên những cội cây cô đơn thường đứng sững một mình giữa núi rừng. Màu hoa đỏ gợi bao nhớ nhung, chia lìa và sum họp, màu của lửa, cũng là của hi vọng, niềm tin. Cây gạo ít khi mọc nhiều thành hàng, trái lại đây đó một cây một đứng lặng lẽ, vào mùa hoa thì toàn cây là một màu đỏ đến nhói tim, tuyệt nhiên không có chiếc lá nào còn sót lại trên cành.

Nếu muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng vào xuân, bạn có thể chọn Mai Châu, Mộc Châu hay Sapa để hòa mình vào sắc thắm của muôn hoa. Thị trấn Mai Châu cách Hà Nội khoảng 150 km. Từ trên dốc Thung Nhuối, du khách đã thấy thị trấn thanh bình bên dưới thung lũng, những nếp nhà hiền lành, những thửa ruộng đã qua mùa giá rét còn đang chờ mùa xuân đến. Ở đây có những bản làng hiền lành của người Thái, người Mông cùng những cánh đồng cải vàng, những cội đào nở rực và những triền núi đầy hoa mận trắng.

Mộc Châu lại là một thị trấn sầm uất hơn với nhiều món ăn ngon. Khám phá Mộc Châu có thể men theo những con đường nhỏ vào trong các xã, trên đường đi ngẫu nhiên, sẽ thấy nhiều cánh rừng mận tươi đẹp vô cùng. Mộc Châu còn có những đồi chè xanh mướt, là một nét đẹp riêng có.

Trong khi đó, thị trấn Sapa từ nhiều năm trước đã là điểm đến quen thuộc của đông đảo du khách. Nơi này tuy đông đúc và mất đi nhiều sự hoang sơ tự nhiên, nhưng vẫn là một điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời. Các bản làng vào mùa xuân hoa đào, hoa mận tỏa sắc khắp nẻo đường, trên núi Hàm Rồng cũng nhiều cội đào rất tươi khoe sắc, sẽ mang đến một hành trình mùa xuân thú vị.

Xuân về, Tết đến, trong cái se lạnh của tiết trời, cái mơn man lộc biếc, là những cánh đồng hoa cải trắng nở bung như mây bên sườn núi. Hòa cùng sắc xuân ấy là không khí háo hức của những cư dân bản địa nô nức trẩy hội xuân. Lên với núi rừng Tây Bắc mùa này, bạn không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ và những nụ cười thân thiện của người dân vùng cao.

Mùa xuân, mùa tình yêu, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của các lễ hội và mùa của những câu hát giao duyên. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có những giai điệu, lời hát riêng của mình. Đặc biệt, nơi rừng núi Tây Bắc, những làn điệu giao duyên của người Tày, Thái, Dao, Mường, H’Mông, Nùng…không chỉ làm đắm say người nghe mà còn là những khám phá thú vị về nét văn hóa bản địa rất đặc sắc.

Tây Bắc- Mường Tiên, được thiên nhiên ban tặng cho non nước Việt, với những dãy núi trập trùng ẩn hiện trong mây, những thác suối quanh năm tấu khúc nhạc róc rách nhiều cung bậc, hòa cùng tiếng gió thổi qua đại ngàn du dương như hàng vạn cây vĩ cầm hòa điệu, tiếng chim rừng trầm bổng ngân xa như một bản giao hưởng bất tận.

Điểm xuyết vào bức tranh sơn thủy kỳ vĩ là những thảm xanh mượt của lúa, ngô trên những thửa ruộng bậc thang, là màu hoa mận trắng, hoa ban phơn phớt hồng và màu váy áo rực rỡ…

Khi mùa xuân đến, vạn vật cùng hoan ca hòa sắc, hòa âm tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, và như để cho tình người say đắm hơn, ấm áp nồng nàn hơn, khắp các bản, mường Tây Bắc vang lên những điệu hát giao duyên của trai gái người dân tộc Thái, Tày, Dao, Nùng, Mường, H’Mông, Hà Nhì…

Trong các lễ hội mùa xuân, những giai điệu như dòng mật ngọt nóng bỏng luồn lách vào mỗi trái tim, rung lên nhịp xốn xang xao động, để rồi trói buộc những đôi tình nhân trong tình yêu hoang sơ, bỏng cháy mãi mãi như mây ngàn, gió núi, như thác cao, suối sâu, như cây lá đại ngàn.

Trong tiếng cồng chiêng, sáo, khèn, kèn lá, đàn môi, tính tẩu và hàng chục loại nhạc cụ khác của các dân tộc miền Tây Bắc, vượt lên và thu hút mọi ánh mắt, đôi môi, nụ cười là những câu hát giao duyên của trai gái dân tộc với nhiều sắc thái, giai điệu khác nhau của mỗi dân tộc, mang bản sắc độc đáo của riêng mình.

Cả một miền rừng Tây Bắc với rất nhiều dân tộc, mỗi dân tộc đều có những bài dân ca giao duyên nói lên tình yêu đôi lứa mang sắc thái riêng độc đáo của dân tộc mình. Mùa xuân, mùa tình yêu, bất kể ai khi lên vùng Tây Bắc, đến các lễ hội dân tộc, không thể không đắm mình vào những điệu hát ấp ủ một tình yêu đẹp, để rồi từ đó là những chuyện tình đâm chồi non, nảy lộc biếc, ra hoa thơm, kết trái ngọt…

Và rồi say, say như uống những ly rượu của miền núi rừng Tây Bắc, như bừng lên ngọn lửa đam mê khao khát… Mùa xuân, mùa tình yêu, Tây Bắc và những câu hát giao duyên cháy lòng người”.

 

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập