Mẫn Linh

Hương vị Tết ba miền

23-01-2020 09:24:48(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, ngày tết cổ truyền của Trung Quốc và Việt Nam. Chắc ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, đâu đâu cũng tràn ngập trong bầu không khí đón Tết, mọi người đang háo hức chào đón Xuân Canh Tý. Chương trình phát lần đầu vào 28 Tết, trong ngày này, người dân tỉnh Hà Bắc Trung Quốc có phong tục làm bánh màn thầu táo, loại màn thầu với tạo hình khác nhau được trang trí bằng táo đỏ; trong khi người dân Bắc Kinh lại “nhào bột, cho bột mỳ nở ra”; còn người dân tỉnh Quảng Đông ở miền Nam thì có phong tục “gột rửa”; ngoài ra, còn có nơi dán câu đối, tranh Tết và riềm giấy. Cùng một đất nước, tác động bởi các yếu tố như khí hậu..., phong tục đón tết ở các vùng miền Trung Quốc rất khác nhau. Việt Nam, đất nước hình chữ S chạy dài hàng nghìn km, sự khác biệt này càng nổi bật hơn. Trong chương trình hôm nay, Mẫn Linh sẽ giới thiệu với các bạn bài viết của bạn Nguyễn Trí, lưu học sinh Việt Nam ở Đại học Dân tộc Quảng Tây mang tên “Hương vị Tết ba miền” Việt Nam, hy vọng có thể tăng chút không khí ấm cúng cho ngày Tết của các bạn.

Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của Việt Nam nhưng ở mỗi vùng miền đều có những hình thức ăn tết khác nhau. Giữa miền Bắc, Trung và miền Nam từ lâu đã có những nét đặc trưng riêng... Bản sắc vùng miền hiện lên rất rõ trong từng cung cách ăn mặc hay vui chơi.

Ấm nồng những ngày xuân miền Bắc

Giọng đọc Thành Trung, cán bộ người Việt Nam Đài chúng tôi, người Hà Nội:

图片默认标题_fororder_1

Nhắc tới Tết miền Bắc, người ta sẽ nghĩ đến ngay đầu tiên là món bánh chưng. Bánh chưng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, đất trời xứ sở và là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời từ thời Hùng Vương trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách ghi lại. Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt, đặc biệt phía Bắc, mỗi dịp Tết đến xuân về. Bên cạnh bánh chưng là bánh giầy, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt.

Từ lâu, ở miền Bắc đã lưu truyền câu ca: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh... Không có thịt mỡ, không có dưa hành, không có bánh chưng là không phải ngày Tết. Điều đó làm nên nét đặc trưng của món ăn ngày Tết. Bánh chưng ăn dễ ngán nên cần có thêm đĩa dưa hành muối. Trên mâm cỗ cổ truyền của người Hà Nội không thể thiếu món giò lụa và thịt gà có mấy sợi lá chanh ở trên. Ngoài ra, người miền Bắc còn có món thịt đông ăn trong ba ngày Tết, đây là món ăn dễ làm lại rất phù hợp với khí hậu lạnh...

Nếu như ở mảnh đất phương Nam xa xôi hoa mai kiêu hãnh khoe mình trong nắng gió thì trong tiết trời se lạnh ngày xuân của miền Bắc, hoa đào góp phần làm xua tan cái giá rét của mùa đông. Cây đào chỉ trồng được ở miền Bắc, là loại hoa đặc biệt của Tết Nguyên đán. Nhiều người chuộng chơi hoa đào tết vì hoa đào có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn trong năm.

Cỗ Tết truyền thống của người Việt trên khắp mọi miền đất nước đều có những món truyền thống như bánh chưng, gà luộc, giò lụa...

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội thể hiện sự tinh tế, đặc sắc riêng của văn hóa ẩm thực nơi đây. Cỗ Tết Hà Nội không có món bánh răng bừa, món gỏi như ở Huế, cũng không có xôi kèm lợn quay, bánh tét hay bánh măng, bánh dừa mận như ở miền Nam... mà có nhiều thức riêng phù hợp để thưởng thức trong không khí ngày tết rét lạnh miền Bắc.

Thông thường, các bát trên mâm cỗ gồm một bát bóng nấu với chân tẩy và nước dùng gà (chân tẩy gồm có su hào, cà rốt, củ đậu được thái mỏng theo những hình hoa đẹp đẽ). Một bát khoai tây hầm đầu, cổ, cánh gà. Một bát miến nấu lòng gà. Và một bát măng khô ninh chân giò. Các đĩa thì cógà luộc, thịt đông, giò xào, giò lụa, cá kho riềng hoặc bò kho khô, nộm.

Cỗ Tết Hà Nội hay bất cứ ở đâu trên cả nước đều không thể thiếu các món truyền thống là dưa hành và bánh chưng xanh. Nhưng miền Bắc nổi tiếng cả nước với cái rét lạnh mùa đông. Cỗ Tết do đó cũng đặc biệt hơn bởi những món được làm từ không khí rét mướt ấy như giò xào hay thịt nấu đông...

Rộn ràng Tết miền Trung

Giọng đọc của bạn Hồ Đắc Quốc Anh, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, người Huế:

图片默认标题_fororder_trung 1

Trong ba miền Bắc, Trung, Nam thì miền Trung là khu vực người dân vất vả nhất bởi khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Tuy vậy, mỗi dịp Tết về cũng như khắp nơi trên cả nước, người dân miền Trung dù giàu hay nghèo vẫn náo nức đón Tết theo cách riêng của mình.

Ở miền Trung, chợ Tết cũng được coi là một nét văn hóa rất riêng, nhất là ở những vùng nông thôn miền Trung. Chợ tết tấp nập, ngập tràn hương thơm của những hàng bán hương trầm. Người bán chở thùng hương to kèm theo những cây hương đại, to như ống tay trẻ con ở phía sau xe, vừa đi vừa đốt thơm lừng để mời gọi khách mua hàng. Thay vì họp ở các nơi quen thuộc, chợ tết lại họp ở đình làng, bên mé sông hay ngã ba đường, gọi là "chợ mua may - chợ cầu lộc".

Chợ Tết thôn quê gần gũi với những loại rau củ, trái cây vườn nhà,… Nhắc đến tết là không thể nhắc đến chợ hoa, một chợ hoa xuân ở miền Trung có thể sưu tập đầy đủ bất kỳ loài hoa nào từ Bắc chí Nam. Chợ hoa không thiếu sắc hồng của đào, không thiếu quất từ Hà Nội hay sắc vàng của mai Nam Bộ đưa về. Tuy nhiên cũng giống phương Nam, người miền Trung hay chơi hoa mai trong ngày Tết.

Ngày 23 tháng Chạp, khác với người miền Bắc có tục thả cá vàng để tiễn ông Táo về trời. Người miền Trung không cúng cá chép vì kiêng theo sự tích cá chép hóa rồng, mà rồng lại tượng trưng cho vua chúa nên không được đụng chạm đến. Do đó, trong mâm cơm cúng ông Táo của người miền Trung thường chỉ có xôi, thịt heo luộc và ít hoa quả. So với các nghi lễ của người miền Bắc thì ở miền Trung đơn giản hơn rất nhiều. Sau lễ cúng, ba ông Táo của các gia đình sẽ được thay mới, các ông Táo cũ được đem đi đặt ở một góc đình, miếu hoặc gốc cây đầu làng - những nơi linh thiêng, không ai dám xâm phạm.

Chiều 30 Tết, nhà nào cũng tiến hành cúng Tất niên để tiễn năm cũ đón năm mới. Lễ này thường có một mâm ở bàn thờ gia tiên, một mâm ở giữa nhà và mâm thị thực đặt ở trước cổng. Lễ cúng có đầy đủ các món mặn, thịt heo, thịt gà, các món canh, xào.... 30 tháng Chạp được xem là ngày đoàn tụ gia đình, con cái dù ở xa đến mấy cũng về thăm ông bà, cha mẹ. Sau khi cúng Tất niên, cả gia đình thường quây quần bên nhau trong không khí ấm ấp, rộn ràng bên nồi bánh chưng, bánh tét.

Nắng ấm phương Nam những ngày đầu năm

Giọng đọc của bạn Mai Hân, giảng viên Việt Nam của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, người thành phố Hồ Chí Minh:

图片默认标题_fororder_nam1

Khác với không khí lạnh buốt của miền Bắc, người dân Nam Bộ đón Tết trong tiết trời ấm áp và với nhiều phong tục cũng không giống người miền Bắc chào đón năm mới.

Năm nào cũng vậy, cứ từ đầu tháng Chạp, ở Nam Bộ đã bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Các chợ hoa, chợ Tết chuẩn bị dựng sạp. Ngày Tết, nhà nào cũng có một nhành mai, cây cảnh, mâm ngũ quả cùng các món ăn đặc trưng của vùng đất này. Nói về mâm ngũ quả, từ ngàn xưa, dân ta lấy hiếu nghĩa làm trọng, luôn gắn bó với cội nguồn dân tộc. Hầu hết các gia đình dù giàu hay nghèo, trong ba ngày Tết đều có mâm ngũ quả trang trọng đặt trên bàn thờ dâng cúng tổ tiên. Người dân Nam Bộ bao đời nay có quan niệm rất đơn giản khi bày biện mâm ngũ quả vì họ cho rằng: “quả” có nghĩa là thành quả lao động suốt năm, cho nên chọn năm loại trái cây, tượng trưng công sức của con cháu dâng lên tổ tiên và đất, trời với lời cầu chúc: “ngũ cốc phong thu” mang lại may mắn, tài lộc. Mâm ngũ quả ngày Tết Nam Bộ thường là năm loại cây trái: “mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài”, nói lên ý nghĩa: “cầu – sung – vừa (dừa) – đủ – xài”.

Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm Tất niên cúng tổ tiên và cũng là món quà Tết truyền thống của người Việt đó là chiếc bánh làm bằng gạo nếp, nhân thịt và đậu xanh. Miền Bắc, loại bánh này gói vuông gọi là bánh Chưng, miền Nam có bánh Tét. Bánh Tét miền Nam có hình ống dài, có nơi gọi là bánh đòn. Bánh Tét biểu trưng cho sức sống, sự trường tồn, sự hùng mạnh. Miền Bắc ăn kèm với bánh chưng là món dưa hành chua chua, cay nhẹ. Còn miền Nam, ăn kèm với bánh tét là món dưa giá, kiệu muối chua, dưa món.

Tết Nguyên đán, trong gia đình người miền Nam, dù mâm cao cỗ đầy nhưng không thể thiếu nồi thịt kho tàu (thịt kho trứng), khác với người miền Bắc là món thịt đông. Chữ “tàu” ở đây, theo nghĩa của người miền Nam là “lạt”. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt. Món thịt kho tàu với miếng thịt vuông, quả trứng tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương, sự vuông tròn cho cả năm.

 

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập