Mẫn Linh

Chữ “Phúc” ngày xuân

15-01-2020 11:17:18(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Chỉ còn hơn một tuần là chúng ta sẽ chào đón Tết Nguyên đán. Các bà nội trợ chắc đang lên kế hoạch mua sắm hàng Tết hoặc đã chuẩn bị một số hàng Tết rồi. Mẫn Linh cũng đang lên kế hoạch cho hàng Tết nhà mình, mặc dù chưa chốt lại danh sách, nhưng có một thứ là năm nào cũng không thể thiếu, đó là câu đối và chữ “Phúc” dán trước cửa nhà. Vâng, người Trung Quốc có phong tục dán chữ “Phúc” vào dịp Tết Nguyên đán, một chữ “Phúc” có thể gói gọn tất cả mong ước của mọi người. Trong chương trình hôm nay, mời các tìm hiểu “Chữ ‘Phúc’ ngày xuân” của người Trung Quốc qua bài viết cùng tên của bạn Nguyễn Hoà, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Truyền thông Trung Quốc. 

图片默认标题_fororder_21

Ở Trung Quốc vào độ Tết đến Xuân về chỉ cần bước chân ra khỏi đường là bạn có thể thấy khắp nơi tràn ngập sắc đỏ, màu đỏ hiện diện như một sự tượng trưng cho sự may mắn, an lành và hạnh phúc. Đó cũng là điều lí giải vì sao người dân Trung Quốc lại yêu thích sắc đỏ đến vậy, đặc biệt là câu đối đỏ – một vật phẩm không thể thiếu trong dịp năm mới, và những chữ Phúc đỏ rực được treo khắp nơi vào những ngày đầu năm. Vậy bạn có biết tại sao người Trung Quốc lại dán ngược chữ “Phúc” hay không?

Vào những ngày cuối năm, các sạp hàng trong chợ bắt đầu bày bán câu đối. Từng đôi từng đôi câu đối đỏ rực treo kín các cửa hàng luôn đung đưa, phấp phới trong gió rét mùa đông, khiến người ta ngập tràn một cảm giác ấm áp, thanh bình.

Chủng loại câu đối khá nhiều. Căn cứ vào vị trí dán câu đối, có thể chia thành các loại sau: “Môn tâm”, dán ở chính giữa cánh cửa; “Khuông đối”, dán trên 2 cánh cửa phải và trái; “Hoành phi”, dán ngang trên dạ cửa; “Xuân điều” thì căn cứ vào nội dung khác nhau, có thể dán ở những chỗ thích hợp.

Buổi sáng ngày 30 cuối năm, theo lệ, lũ trẻ sẽ bưng bát hồ dán, tay cầm chiếc chổi nhỏ làm bằng cây lăng tiêu, hòa trong không khí vui vẻ, tưng bừng nhộn nhịp tràn ngập khắp nơi, cùng người lớn bắt đầu dán câu đối. Có nhà theo thói quen, dán câu đối trước một ngày, vì sợ thời tiết thay đổi đột ngột, hồ sẽ đông lại, rất khó cho việc dán câu đối.

Năm mới đến, ngoài những câu đối rực rỡ treo trước ngõ, không khí xuân còn được tô điểm thêm với đủ loại những chữ “Phúc” to nhỏ khác nhau. Cũng như câu đối, dán chữ “Phúc” cũng là một tập tục rất lâu đời trong dân gian.

图片默认标题_fororder_22

Thời Thanh (1644-1911), mỗi năm vào ngày mùng 1 tháng Giêng, tại gian nhà sưởi ở phía Tây cung Càn Thanh, hoàng đế thường gặp gỡ một số vương công đại thần, ban cho họ chữ “Phúc” do chính tay hoàng đế viết, gọi là “Ban phúc” (Tứ phúc). Việc làm này có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ tập tục dán chữ “Phúc” của người dân Trung Quốc vào dịp đầu năm.

“Phúc” là một trong những chữ lâu đời nhất của Trung Quốc, từng xuất hiện trong giáp cốt văn, có hình dáng của đồ đựng rượu để tượng trưng cho cuộc sống phong lưu của người xưa. Chữ “Phúc” ngày nay, do bộ “lễ” ( 礻) và 3 chữ “nhất” (一), “khẩu” (口), “điền” (田) hợp thành. Trong đó, bộ “lễ” chỉ Thiên thần và Địa thần; chữ “điền” chỉ việc cày ruộng, săn bắn; chữ “nhất” chỉ sự bắt đầu, duy nhất, sau hóa thành vạn vật; chữ “khẩu” thì theo sách “Thuyết văn giải tự”: “Khẩu, đó là bộ phận để con người ăn và nói”. Như vậy có thể thấy, về tự dạng, chữ “Phúc” là biểu hiện sự cầu mong của con người có ruộng có vườn và một đời sống sung túc no đủ.

Ngoài hàm nghĩa trên, chữ “Phúc” dán trong dịp Tết còn có nghĩa là “Hạnh phúc”, “Số may” hoặc “Vận may”. Dán chữ “Phúc” là gửi gắm ước vọng, niềm mong mỏi của con người về cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi sáng. Nhằm thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn niềm hy vọng này, nhiều người còn dán ngược chữ “Phúc” để biểu thị ý nghĩa “Hạnh phúc đã đến”, “Vận may đã đến”. Vì sao khi dán ngược, chữ “Phúc” lại có hàm nghĩa như trên?

图片默认标题_fororder_24

Tương truyền, vào thời nhà Thanh, có một năm khi chuẩn bị Tết, viên đại quản gia trong phủ Cung thân vương theo lệ, đã viết rất nhiều chữ “Phúc”, rồi sai người đi dán khắp nơi trong phủ. Chẳng may, có một người hầu không biết chữ đã dán ngược chữ “Phúc” lên chính giữa cánh cửa lớn của vương phủ, khiến người qua lại đều buột miệng: “(chữ) Phúc (dán) ngược rồi” (Phúc đảo liễu 福 倒 了). Nghe vậy, đám thân vương quý tộc và các mệnh phụ phu nhân thay vì giận dữ lại tỏ ra vô cùng hoan hỉ, coi đó là điềm lành, bèn cho gọi người hầu đến trọng thưởng! Thì ra, vốn dĩ trong tiếng Hán, chữ “đảo” (倒) nghĩa là “ngược”, “quay lại” với chữ “đáo” (到) có nghĩa là “đến”, “tới” lại có cùng âm đọc là “dào”, nên khi nghe ai đó nói “Phúc đảo liễu” thì người nghe hoàn toàn có thể hiểu là “Phúc đến rồi” (Phúc đáo liễu: 福 到了). Thế là kể từ đó – theo các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc -, chữ “Phúc” bị dán ngược từ vương phủ đã lan truyền trong cả nước, rồi trở thành tập tục của người dân Trung Quốc, truyền mãi đến nay.

Bên cạnh cách lý giải trên, dân gian lại có thêm một truyền thuyết khác, cho rằng việc dán chữ “Phúc” là có liên quan đến Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Vào một đêm Tết Nguyên Tiêu, Chu Nguyên Chương đã cởi áo long bào cải trang làm một ông chủ, đi dạo trên đường Nam Kinh ngắm hoa đăng.

Minh Thái Tổ thấy dân chúng trong kinh thành nhà nào nhà nấy đều cắt hoa giấy, treo đèn lồng, dán câu đối, tất cả đều là cảnh tượng ăn mừng vui vẻ nên trong lòng rất vui. Nhưng sau khi đi qua vài dãy phố, ông phát hiện thấy trên cổng của một nhà có dán bức tranh một người phụ nữ ngồi trên lưng ngựa, ôm trái dưa hấu lớn.

图片默认标题_fororder_16

Nhìn bức tranh, Chu Nguyên Chương giận tím mặt. Ông cho rằng đây là bức tranh châm chọc xuất thân bần hàn của Mẫu nghi thiên hạ – Mã Hoàng hậu. Chu Nguyên Chương liền hạ lệnh cho kẻ dưới dán một chữ “Phúc” lên cổng của nhà kia để làm dấu hiệu, ngày hôm sau trừng trị.

Nhưng đêm đó, Mã Hoàng hậu biết chuyện. Bà nhanh chóng lệnh cho tất cả các nhà trong thành đều phải dán một chữ “Phúc” trên cổng trước khi bình minh đến. Tuy nhiên trong lúc vội vã, một gia đình không biết chữ đã đem chữ “Phúc” dán ngược.

Ngày hôm sau, người của Chu Nguyên Chương phát hiện ra nhà nào trong thành cũng dán chữ “Phúc”. Giận cá chém thớt, họ lệnh cho cấm quân tịch thu hết tài sản của nhà dán chữ “Phúc” ngược và bắt giữ  “kẻ phạm tội”.

Mã Hoàng hậu thấy sự tình không hay liền vội vàng nói với Chu Nguyên Chương: “Người nhà kia biết hôm nay Hoàng Thượng tới chơi, nên đã cố ý dán ngược chữ ‘Phúc’ để tỏ ý tứ là ‘Phúc đến’.” (Chữ “Phúc” dán ngược có nghĩa là nó bị “đảo”, mà âm “phúc” và âm “đảo” đọc liền nhau sẽ trở thành “phúc đáo”, tức là phúc đến, chữ đáo nghĩa là đến.)

Hoàng đế Chu Nguyên Chương vừa nghe thì liền thấy có đạo lý nên lập tức hạ lệnh thả người. Một trận đại họa bởi vậy mà cuối cùng đã được tiêu trừ.

Từ đó về sau, để tưởng nhớ đến tấm lòng nhân từ của Mã hoàng hậu, và cũng là để hướng đến những điều tốt lành trong năm mới, người ta đã dán ngược chữ “Phúc” ở ngoài cổng nhà mình.

图片默认标题_fororder_18

Ngày nay ở Trung Quốc, có một số gia đình vẫn thích dán ngược chữ “Phúc” trong dịp Tết. Họ hy vọng có ai đó đi qua sẽ buột miệng: “Fú dào le” (Phúc đến rồi).Trải qua năm tháng, chữ “Phúc” còn được nhiều nghệ nhân dân gian chế tác cầu kỳ thành các loại mẫu hoa văn. Đi theo thời gian, nét văn hoá mang đậm màu sắc dân gian này vẫn được lưu truyền, nó phản ánh sự lạc quan, yêu đời và đầy sức sống của con người Trung Quốc nồng hậu, đây cũng là một trong những tín hiệu khi Xuân về nơi đây.

Không biết ở Việt Nam có phong tục dán ngược chữ “Phúc” như ở Trung Quốc không? Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ của các bạn. Các bạn có thể nghe lại chương trình này trên trang web của Đài chúng tôi theo địa chỉ vietnamese.cri.cn, hoặc like fanpage của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc trên mạng xã hội Facebook trao đổi trực tiếp với chúng tôi.

 

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập