Mẫn Linh

Điều gì làm nên “Tiết Xuân” của người Trung Hoa?

02-01-2020 08:51:12(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Chỉ còn chưa đến một tháng, nhân dân Trung Quốc và Việt Nam sẽ chào đón Tết Nguyên đán, ngày tết cổ truyền quan trọng nhất trong năm. Kể từ chương trình hôm nay, Mẫn Linh sẽ chia sẻ với các bạn một số bài viết của lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc về đề tài Tết, tìm hiểu Tết Nguyên đán Trung Quốc trong mắt lưu học sinh Việt Nam.

Sau đây mời các bạn cùng Mỹ Trinh, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học An Huy, Trung Quốc tìm hiểu “Điều gì làm nên ‘Tiết Xuân’ của người Trung Hoa”? 

图片默认标题_fororder_13

Không khí rộn rã từ nhà ra phố

Nếu như người Việt xem Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm thì người Trung Quốc lại gọi ngày lễ này với một cái tên thật là “trìu mến”: “Tiết Xuân” (春节). “Tiết Xuân” là dịp lễ dài nhất và quan trọng nhất ở Trung Quốc trong năm, thường kéo dài từ ngày 8 tháng 12 âm lịch đến ngày 15 tháng giêng âm lịch. Nguồn gốc của ngày này có từ xa xưa với rất nhiều truyền thuyết và tập tục liên quan, phản ánh niềm tin và cách sống của con người thời cổ xưa.

Màu đỏ và vàng là hai màu sắc mang ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa Trung Quốc. Màu đỏ biểu tượng cho sự may mắn và tràn đầy năng lượng, màu vàng liên quan đến sự giàu sang và hạnh phúc. Dùng màu sắc này để trang trí hay trên quần áo là cách để chào đón năm mới may mắn.

Đèn lồng đỏ được dùng trong những lễ hội Trung Quốc trong đó có năm mới. Đèn lồng treo cao có nghĩa giống như mặt trăng trên bầu trời.

Dây pháo đỏ được làm từ giấy đỏ sau đó đốt sáng để phát tiếng nổ sẽ xua đuổi tà ma. Hay pháo hoa thường được đốt vào nửa đêm giao thừa – thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng là một trong những nét đặc sắc vào mỗi dịp xuân về của người Trung Quốc. Pháo được sử dụng ở Trung Quốc và Hồng Kông thường có tiếng nổ rất lớn, và pháo hoa chủ yếu được đốt sáng trên mặt đất. Trong niềm tin tâm linh của người Trung Quốc, những tiếng nổ to của pháo nhằm dọa các linh hồn xấu xa, ngăn cản chúng mang lại những điều không may mắn. Nhiều người đốt pháo hoa liên tục trong suốt 15 ngày, hoặc ít nhất là 4-8 ngày đầu tiên của năm mới trước khi họ đi làm trở lại. Nhưng hiện nay, nhằm bảo vệ môi trường và phòng ngừa an toàn, nhiều địa phương Trung Quốc đã ban hành quy định cấm đốt pháo.

Những hoạt động trong ngày “Tiết Xuân” rất phong phú và đa dạng, có nơi biểu diễn tuồng kịch, văn nghệ, chiếu phim, có chỗ múa sư tử, đi cà kheo, đi hội chùa, khắp nơi tràn ngập bầu không khí tưng bừng của ngày hội.

Bên cạnh đó, dán câu đối, thắp đèn lồng cũng là hoạt động được người dân ưa thích. Trong dịp này, trên thị trường bán rất nhiều câu đối và tranh xuân phản ánh cuộc sống hạnh phúc, lao động vui vẻ của người dân và các loại hoa, sơn thủy hữu tình. Hội Hoa đăng trong dịp này cũng là một hoạt động hết sức sôi nổi. Hoa đăng là sản phẩm thủ công truyền thống trong dân gian của Trung Quốc, trước đây nghệ thuật làm Hoa đăng cũng rất hưng thịnh, trên Hoa đăng được in đủ các hình thù động vật, phong cảnh, nhân vật anh hùng .v..v.. với nhiều tạo hình khác nhau.

图片默认标题_fororder_15

Những phong tục độc đáo

Ở nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, người dân đón “Tiết Xuân” với nhiều tập tục truyền thống, văn hóa khác nhau, nhưng tối 30 cả gia đình sẽ quây quần cùng ăn bữa đoàn tụ, bất kể là người miền Nam hay miền Bắc đều không thể thiếu được. Ở miền Nam, bữa cơm đoàn tụ thường có mười mấy món, trong đó nhất định phải có đậu phụ và cá, bởi vì trong chữ Hán hai từ này đồng âm với từ “phú quý, dư thừa”, riêng món cá người ta không ăn hết mà để dành một phần qua đêm với ý nghĩa để gia đình sang năm mới cuộc sống ngày càng dư dật. (Trong tiếng Trung, phát âm của từ cá đồng âm với từ dư dả, thể hiện sự sung túc và ấm no). Ở miền Bắc, trong bữa cơm đoàn tụ mọi người thường sẽ ăn sủi cảo, cả gia đình cùng gói sủi cảo, vỏ làm bằng bột mỳ hình tròn cán mỏng, nhân được gói bởi thịt băm tươi ngon hoặc lá hẹ băm nhuyễn, rất thơm ngon, luộc chín, món ăn truyền thống này thường được chấm chung với dấm đen, tạo nên hương vị thơm nồng trong bầu không khí xum vầy ấm cúm.

Sáng mùng Một của “Tiết Xuân” cũng là thời điểm gia đình tập trung đông đủ đón năm mới, những “bậc tiền bối” trong nhà sẽ phát phong bao “lì xì” mừng tuổi cho con cháu và khách là nam thanh nữ tú, trẻ em đến chúc tết gia đình.

Ngày mùng Hai của “Tiết Xuân”, các con rể đến thăm và mừng tuổi nhạc phụ, nhạc mẫu. Câu nói phổ biến nhất mà mọi người trong gia đình chúc tết nhau và chúc khách đến chơi trong dịp này là “Cung hỷ phát tài” và chủ nhà thường đãi khách bằng tiệc trà. Người Trung Quốc tin rằng ngày mùng Ba của “Tiết Xuân” là ngày không thích hợp đi thăm hỏi chúc nhau.

Vào ngày mùng Năm, ở miền Bắc Trung Quốc, các gia đình thường ăn bánh bao vào buổi sáng để lấy may. Đây cũng là sinh nhật của Thần Tài nên nhiều cửa hiệu của người Hoa đã mở hàng năm mới trong ngày này.

Rằm tháng Giêng là ngày cuối cùng trong dịp “Tiết Xuân”, vị cao tuổi trong gia đình thường chào đón mọi người bằng một rổ cần tây, món ăn truyền thống được chế biến trong ngày này gọi là “Tangyuan” (bánh trôi nước), gồm những viên trôi nước ngọt nhúng trong nước súp thơm phức và nồng nàn hơi ấm đầu xuân.

Người Trung Quốc thường đi chùa hay đền thờ để cầu may mắn vào dịp Tết. Họ sẽ thắp nhang và khấn nguyện. Hầu hết các ngôi chùa đều chào đón tất cả mọi người, không chỉ riêng người Trung Quốc.

Bạn có thể tìm được ống xăm may mắn ở gần lối đi vào các đền thờ hoặc chùa. Khấn nguyện xin một quẻ xăm, rồi lắc ống xăm cho đến khi một thẻ xăm rơi ra. Sẽ có một thầy chuyên giải quẻ xăm giải thích quẻ xăm đó cho bạn.

图片默认标题_fororder_23

Những chuyến “trở về” ấm tình thương

Làm lụng vất vả quanh năm và chỉ chờ đợi dịp “Tiết Xuân” để được trở về đoàn tụ cùng gia đình là tâm nguyện của nhiều người dân Trung Quốc đi làm ăn xa nhà. Vì thế, vào dịp trước “Tiết Xuân”, hành trình “Xuân vận” (春运) lại bắt đầu. "Xuân vận” hay "Cuộc di cư mùa xuân" là lúc hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê ăn Tết để đoàn tụ cùng gia đình vào dịp lễ lớn nhất trong năm này. Từ “Xuân vận” lần đầu tiên được nhắc tới là vào những năm 1980. Theo truyền thông Trung Quốc, sau cuộc cải cách năm 1978, nhiều người Trung Quốc đã rời quê hương đi làm việc và học tập ở thành phố lớn khác và như một tất yếu, đến cuối năm họ lại trở về nhà đoàn viên bên gia đình vào dịp “Tiết Xuân”. Hơn bốn thập kỷ qua, 40 ngày “Xuân vận” đã tạo nên bức tranh toàn cảnh về cuộc di dân lớn nhất trong năm ở Trung Quốc.

Thời điểm này không chỉ những người dân làm ăn xa quê mà cả những bạn học sinh, sinh viên đi học xa nhà cũng mong ngóng trở về đoàn tụ cùng người thân trong gia đình mình. Những bến tàu chật ních, những nhà ga chen chúc với những nụ cười rạng rỡ của mọi người là điểm dễ dàng thấy được vào dịp cuối năm này. Mọi người háo hức hành lý về quê với niềm khát khao được đoàn tụ. Giữa cái xô bồ và chật chội, giữa cái giá lạnh và nồng nàn của những ngày cuối đông, đâu đó ta vẫn bắt gặp được niềm hạnh phúc và sự mong chờ nở rộ trên những gương mặt sáng ngời.

“Tiết Xuân” đối với người dân xứ sở “Vạn Lý Trường Thành” này không chỉ là dịp để chung vui chúc tụng, dịp để mọi người chào đón một năm mới với biết bao kỳ vọng và háo hức, mà còn là dịp để những đứa con xa quê “trở về” trong vòng tay và hơi ấm của tình thân, là dịp để mọi người gửi đến nhau những lời, những niềm mong ước đong đầy. Có lẽ đó cũng chính là những giá trị trường tồn mãi với thời gian trong tiềm thức của người dân đất nước này, cũng là nét đẹp văn hoá của con người nơi đây.

图片默认标题_fororder_18

Qua bài viết của bạn Mỹ Trinh, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học An Huy, Trung Quốc, chúng ta đã hiểu khái quát về Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, hiện nay các phong tục tập quán đón Tết ở Trung Quốc có nhiều thay đổi so với trước đây, diễn biến theo xu hướng đơn giản, văn minh hơn, nhưng một trong những điều không thay đổi là sự mong ước sum họp sau một năm làm việc vất vả. Đoàn tụ là ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Tết Nguyên đán.

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập