Mẫn Linh

Những điệu múa mang linh hồn Trung Hoa

18-12-2019 10:10:27(GMT+08:00)
Chia sẻ:

“Trong hành trình du lịch khám phá Trung Quốc, ngoài cảnh thiên nhiên hùng vĩ hay những công trình cổ đại ngàn năm thì văn hóa lâu đời nơi đây cũng chứa đựng nhiều điều thú vị, một trong số đó là nghệ thuật múa đỉnh cao, niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa”.

Đây là cảm nhận của bạn Hoài Anh, lưu học sinh Việt Nam tại Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc. Tất nhiên, phải là những người trong ngành mới có đôi mắt thẩm mỹ đối với nghệ thuật múa. Sau đây là cảm nhận của bạn Hoài Anh về “Những điệu múa mang linh hồn Trung Hoa”, tìm hiểu nghệ thuật múa Trung Quốc qua góc nhìn của “dân trong nghề”.

Trải qua nhiều triều đại nối tiếp nhau, từ cung đình cho đến chiến trường, lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc tích lũy thành một kho tàng phong phú và quý giá của văn hóa truyền thống và nghệ thuật cổ điển. Sự tinh xảo của chiếc bình gốm thời nhà Minh hay sự khéo léo trong kiến trúc của Tử Cấm Thành dễ dàng làm chúng ta trầm trồ thán phục, thế nhưng những thứ này mới chỉ là những vật chứng vô tri vô giác giúp chúng ta hiểu về lịch sử Trung Hoa. Những thứ đó không thể truyền đạt được ý nghĩa sâu xa của văn hóa, đó là suy nghĩ, cảm xúc và biểu hiện của con người được hình thành trong quá trình lịch sử huy hoàng và lâu dài.

Lịch sử đã giao trách nhiệm nặng nề này cho nghệ thuật múa Trung Quốc, vốn được công nhận là một trong những di sản văn hóa lớn nhất của Trung Quốc. Loại hình nghệ thuật được lưu truyền qua các thời đại này hiện nay mang trên mình trọng trách lớn lao là bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiểu về nghệ thuật Trung Quốc cũng là hiểu về lịch sử văn hóa Trung Quốc.

图片默认标题_fororder_1

Múa cổ điển – trang sử hào hùng của nghệ thuật dân gian:

Sự thay thế, tiếp nối của các triều đại đã khiến Trung Quốc trở thành một quốc gia độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới. Mỗi một triều đại mang một bản sắc văn hóa và nghệ thuật riêng, được xây dựng trên nền tảng thành tựu nghệ thuật của triều đại trước đồng thời đặt nền móng cho tương lai.

Bối cảnh văn hóa thay đổi không ngừng này đã liên tục bồi đắp, mở rộng và làm phong phú nghệ thuật múa Trung Hoa. Từ các thể loại kịch cổ điển cho tới các điệu múa cung đình, múa dân gian và võ thuật, múa cổ điển Trung Quốc là kết tinh toàn bộ tinh hoa của các thời đại khiến nó trở thành công cụ truyền tải hoàn chỉnh nhất của văn hóa Trung Hoa.

Múa cổ điển Trung Quốc là một trong những hình thức nghệ thuật hấp dẫn nhất. Nó bao gồm các động tác di chuyển chính xác, uyển chuyển và linh hoạt cùng nhiều chuyển động khó nhất như nhào lộn, nhảy, lướt và nhảy bước dài, những động tác này dùng để miêu tả các kỹ thuật võ thuật trong các trận chiến.

图片默认标题_fororder_22

Nét đặc sắc của điệu múa các dân tộc Trung Hoa:

Một loại hình múa độc đáo của Trung Quốc không thể không thể không nhắc tới đó chính là múa dân tộc truyền thống: Múa dân tộc Trung Hoa chủ yếu nói đến những hình thức vũ đạo sinh ra và lưu truyền trong các dân tộc thiểu số, chịu sự ảnh hưởng của văn hóa của dân tộc. Nó được biểu diễn một cách ngẫu hứng nhưng phong cách tương đối ổn định, tác dụng chủ yếu là để giải trí. Trung Quốc có 55 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có đặc thù khu vực, khí hậu và phương thức sinh hoạt khác nhau, do vậy, không chỉ có ngôn ngữ, văn tự, trang phục, đặc điểm âm nhạc khác nhau, mà còn phát triển các điệu múa dân tộc độc đáo của riêng mình.

Bản thân các nhân tố di truyền từ nét văn hoá của mỗi dân tộc đã được gieo vào cơ thể người dân đất nước Trung Hoa, cũng như trong lịch sử lâu đời của các dân tộc đã gửi gắm những ý vị riêng vào trong ngôn ngữ cơ thể của các dân tộc, thể hiện được những phẩm chất nguyên sơ của con người. Điệu múa của các dân tộc miền núi, dân tộc du mục và dân tộc nông canh đều mang đặc trưng rõ nét của mình.

Còn các điệu múa dân gian chủ yếu là nói đến những điệu múa được lưu truyền trong dân tộc người Hán, như uyên ương ca, múa cầu vồng, múa khăn tay, chứ không phải là điệu múa của các dân tộc thiểu số. Văn hóa truyền thống dân tộc là cốt lõi trong việc bảo tồn cá tính độc đáo của các điệu múa dân gian, nó là sự tích lũy truyền thống của dân tộc, không thể dễ dàng bị biến đổi trong quá trình phát triển.

图片默认标题_fororder_21

Uyển chuyển những điệu múa cổ trang:

Các chuyển động trong múa cổ trang có khả năng biểu đạt rất nhiều cảm xúc, có thể là niềm hạnh phúc, nỗi buồn, niềm vui, sự giận dữ, đau buồn, hứng khởi, những cảm xúc chia tay và hội ngộ, điên loạn, cuồng dại, bệnh tật, say rượu, trang trọng, sự ô nhục, sự uy nghi, cũng như truyền tải các cốt truyện dân gian, quân đội, hay về các nhân vật và những lưu truyền lâu đời khác. Bên cạnh đó, những điệu múa cổ trang còn dẫn dắt cơ thể biểu đạt cảm xúc. Hay nói một cách khác, trong hình thức múa này, chỉ khi nào cảm xúc bên trong được bộc phát toàn bộ, nó mới đưa đẩy chuyển động được thăng hoa.

Giống với những hình thức nghệ thuật khác như phim, kịch, opera, nghệ thuật sân khấu truyền thống… diễn xuất trong múa cổ trang Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải tinh thần bài múa đến với người xem. Diễn xuất trong múa cổ trang liên quan đến phối hợp biểu hiện trên khuôn mặt với chuyển động cơ thể và khi tất cả hòa quyện với nhau, sẽ cho ra đời một hình thức biểu đạt phóng khoáng. Múa cổ trang Trung Quốc có nhiều động tác được xây dựng dựa trên những chuyển động tự nhiên của cơ thể như chạy, nhảy, đi bộ…. Vì vậy, nếu tình cờ gặp một nghệ sỹ múa cổ trang Trung Quốc trên đường, bạn sẽ thấy họ bước đi một cách thanh tú và uyển chuyển.

Một đặc điểm thú vị khác của múa cổ trang Trung Quốc là mối liên kết của nó với võ thuật. Trong thời Trung Hoa cổ đại, tại các buổi yến tiệc triều đình, các vị tướng sẽ biểu diễn những động tác võ thuật họ dùng trên chiến trường cho hoàng đế thưởng lãm, dần dần trở thành một buổi trình diễn nghệ thuật. Ví dụ, tư thế né người để tránh giáo đã biến tấu thành một cú nhào lộn, hoặc động tác tự vệ khi bị tấn công từ tứ phía được đổi thành một động tác đá quét nhẹ nhàng. Thật ra, múa cổ điển và võ thuật được ví như “anh em một nhà” vì chúng sử dụng các kỹ thuật giống nhau nhưng phục vụ các mục đích khác nhau.

Trong múa cổ trang, những bước đi của các nữ vũ công trông rất nhẹ nhàng, tựa như họ đang lướt nhẹ trên khấu, thể hiện nét dịu dàng, tinh tế của phụ nữ Á Đông. Có nhiều cách để lý giải cho sức hấp dẫn của múa cổ trang Trung Quốc thời gian gần đây, nhưng có lễ phần lớn là do sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ sau những bộ phim cổ trang nổi tiếng được công chiếu: Diên Hy công lược, Hậu cung Như Ý truyện,… Ngoài ra, múa cổ trang còn được nhiều người quan tâm vì bộ môn này truyền tải sự nhẹ nhàng, duyên dáng nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ. Giữa guồng quay cuộc sống gấp gáp, người người lựa chọn múa cổ trang để đắm chìm trong âm nhạc truyền thống, những động tác uyển chuyển đòi hỏi sự tập trung cao, từ đó giúp cơ thể thoải mái, thư giãn, giải tỏa những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.

Các màn trình diễn múa Trung Quốc mà chúng ta biết trước kia, trên thực tế là đã bị pha trộn rất nhiều kỹ thuật từ múa ba lê, nhảy hiện đại đến nhạc jazz, vì vậy mà trước đây, rất ít người biết đến múa cổ truyền Trung Hoa chân chính là gì. Múa truyền thống đỉnh cao cần đáp ứng ba yếu tố: kỹ thuật, tạo hình và nghị lực. Những kỹ thuật trong các điệu múa Trung Hoa cực kỳ tinh tế và đòi hỏi độ chính xác cao.

Tạo hình là một hệ thống vũ điệu và cử chỉ mang đặc trưng phong cách Trung Hoa. Nhưng nền tảng quan trọng nhất trong chế độ rèn luyện của người vũ công là “nghị lực”. Nghị lực là nội hàm sâu xa bên trong các màn vũ đạo, nó có sự liên kết đặc biệt với nhịp thở, tâm hồn và tính cách độc đáo của người nghệ sỹ. Cũng chính nét tính cách này đã giúp những động tác múa có được sự chỉnh chu và trọn vẹn hơn nhiều.

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập