Mẫn Linh

"Cầu vồng Hữu nghị": Thầy và mùa thu

27-11-2019 08:26:10(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Các bạn đang nghe là chương trình Cầu vồng Hữu nghị phát sóng đầu tiên vào thứ Tư hàng tuần trên sóng Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc. Mẫn Linh rất vui được gặp lại quý vị và các bạn.

Trong chương trình hôm nay, Mẫn Linh sẽ giới thiệu với các bạn bài cuối cùng trong loạt bài của lưu học sinh Việt Nam “Viết về thầy cô chúng mình”đăng trên tập san cùng tên chương trình “Cầu vồng Hữu nghị”.

Tạm biệt mùa Thu, những chuyện diễn ra trong mùa Thu đều trở thành ký ức. Nói đến mùa Thu, bạn sẽ nhớ đến điều gì? Bạn Đặng Hậu, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Dân tộc Trung Ương, Trung Quốc sẽ nhớ đến thầy giáo của mình, một người thầy dạy bạn ấy biết yêu cuộc sống. Sau đây, Mẫn Linh xin mời các bạn cùng nghe bài viết của bạn Đặng Hậu mang tên “Thầy và mùa Thu”.

图片默认标题_fororder_4

Tôi cảm nhận được trời đã vào thu không phải vì đã bóc đi những tấm lịch bước qua tháng Tám, cũng chẳng phải bởi phượng vĩ thôi không còn thắp lửa, sắc tím ngắt trên nhành bằng lăng đã nhạt phai hay vì chú ve sầu đã gấp lại bản nhạc muôn thuở để ngủ yên trong vòm lá. Thu đến, là khi tâm hồn ta cảm thấy yên bình đến lan. Dường như mọi người sống chậm hơn, và đôi khi dành cho riêng mình một khoảng lặng để trầm lắng, suy tư. Đó là lúc vạn vật như đắm chìm trong sự chuyển mình của những sắc màu kỳ diệu của thiên nhiên, những chiếc lá đổi màu sang sắc vàng ảm đạm, là khi cơn gió ùa về se lạnh lòng người, bầu trời quang đãng trong xanh rót nắng vàng như mật xuống con đường, những cành cây, ngọn lá.

Tôi là một đứa ít chú ý đến thế giới xung quanh, cũng ít khi trải lòng để cảm nhận cuộc sống cho đến khi tôi gặp thầy. Đó là người đã giúp tôi biết yêu hơn cuộc sống này và dạy cho tôi cách cảm nhận mùa thu thật đặc biệt. Thầy tôi bảo rằng: “Nếu như người ta không yêu thu vì thu không rực rỡ như mùa hạ, không mạnh mẽ như mùa đông, không kiều diễm bằng mùa xuân thì người ta khó có thể giữ cho lòng mình khỏi vấn vương. Thu là thế đấy, giản dị, thuần khiết mà hấp dẫn lạ thường!”. Tôi bất giác mỉm cười với câu nói đó khi đang đắm mình trong những giây phút tận hưởng cái đẹp của thu. Đâu đó tiếng gió vẫn vi vu, ngọn lá vẫn rơi xuống lòng đường vang lên một âm thanh xào xạc nho nhỏ.

Mùa thu là sự chắt chiu, dung hòa của mùa hạ và mùa đông, một chút nắng của mùa hạ, một chút se lạnh của mùa đông tạo nên mùa thu. Trời xanh dần và mỗi lúc một trong vắt, thỉnh thoảng lại có những vòm mây trắng nhẹ nhàng trôi giữa không gian dịu ngọt. Nắng vàng ươm trải xuống làm mọi vật trở nên lung linh hơn và đặc biệt là sự xuất hiện của những cơn gió heo may đậm chất thu, hay là gió đang thổi vào lòng tôi một dáng thu riêng? Gió heo may đến với mùa thu như một bản giao hưởng trong lành, nó đi vào lòng người, vào những bài ca, bài thơ bất hủ, để rồi bất chợt đâu đó, một ngày nào đó, đi giữa lòng phố, bỗng nghe đâu vang lên câu hát: “gió heo may, tìm theo những bông cỏ dại…”  thì ta lại cảm nhận được rằng, dường như thu đến thật rồi.

Chiều thu. Tôi hay đạp xe qua những con phố rợp bóng cây để mặc những cơn gió thu luồn vào tóc. Tôi nhắm mắt, nhún vai, hít một hơi thật sâu cho cái hơi lạnh mơn man tràn vào lồng ngực. Tự nhiên tôi thấy yêu cuộc sống một cách lạ thường. Nhưng chính những giây phút này lại khiến tôi nhớ thầy… Thầy yêu thu và tôi cũng thế, đó là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm thầy trò chúng tôi. Cũng vào thời gian này, nhiều năm về trước, tôi và các bạn thường năn nỉ thầy dắt đi thả diều. Chiều chúng tôi nên thầy gật đầu đồng ý: “Ừ, thì đi!”.

Mỗi con người, mỗi thế hệ lại gửi vào cánh diều của mình những ước mơ cháy bỏng riêng tư. Cánh diều của lũ nhóc chúng tôi thường rực rỡ sắc màu nhưng không bay cao được tít mấy tầng mây xanh như diều của các anh thanh niên. Những cánh diều hình bướm, hình chim chấp chới, chao lượn tinh nghịch y hệt tụi trò nhỏ trèo sấu, hái me. Nhìn những cánh diều đáng yêu ấy có thể thấy một khoảng trời đầy sắc màu trong tâm hồn mỗi chúng tôi. Riêng cánh diều của thầy không sặc sỡ, cầu kỳ mà giản dị như chính con người thầy. Có khi thầy không thả diều mà chỉ ngồi ngắm những cánh diều của chúng tôi. Thái độ vừa vui mừng vừa trầm mặc của thầy ngước nhìn bầu trời cao rộng với những cánh diều phơi phới trên kia cứ gieo vào tâm tưởng mỗi chúng tôi một niềm suy tư vẩn vơ nào đó. Phải chăng thầy đang trải hồn mình với những khát vọng thuở xưa? Hay thầy đang suy ngẫm về mùa thu của cuộc đời, nơi thầy đã dìu dắt bao thế hệ qua sông? Khi đã cột dây diều vào cọc, lũ trẻ chúng tôi lại quây quần bên thầy và nghe thầy kể chuyện làng quê. Những câu chuyện về cây đa, giếng nước, về những năm tháng đói nghèo khi đất nước còn oằn mình trong kiếp nô lệ… thầy đã gieo vào trong trái tim non nớt của chúng tôi tình yêu thương gắn bó với quê hương, với cội nguồn. Thầy truyền cho chúng tôi những khát vọng, thắp sáng ước mơ và niềm tin vào cuộc sống, tiếp lửa cho chúng tôi bước tới ước mơ, tới thành công bằng chính đôi chân của mình.

Thu đến mang theo cánh chim trời chở những ước mơ bay xa. Viên bi bốn mùa rồi sẽ lăn, để rồi tôi tỉnh giấc, thoảng thốt trong tiếng gọi: “Tuổi thơ ơi!”. Mùa thu cũng giống như một nốt nhạc trầm đánh thức từ trong sâu thẳm lòng mình tiếng gọi của khát vọng, yêu thương. Tôi đang lớn dần lên, trưởng thành hơn nhưng cũng lắm dại khờ. Và giờ đây tôi hiểu hơn về cuộc sống, về mùa thu và yêu lắm hình ảnh áo trắng trên sân trường…. Sẽ nhớ mãi kí ức đẹp này và chờ đón một mùa thu nữa lại về…

Trên đây, Mẫn Linh vừa giới thiệu với các bạn bài viết của bạn Đặng Hậu, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Dân tộc Trung ương, Trung Quốc mang tên “Thầy và mùa Thu”. Cảm ơn tất cả những gì mà các thầy, các cô đã làm cho ta. Trước khi kết thúc chương trình hôm nay, mời các bạn đến với ca khúc Trung Quốc “Một cây rất to” do nữ ca sĩ Trung Quốc Điền Chấn trình bày, trong lời ca đã ví nhà giáo là cây: “Một cây rất to, mặc kệ gió lớn thổi, lá xanh để lại bao nhiêu câu chuyện, có vui cũng có buồn, vui không cười, đau không khóc, gieo cho mặt đất bao nhiêu bóng cây xanh tươi, đó là nốt nhạc tình thương...” Mẫn Linh xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ sau.

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập