Mẫn Linh

Cam-pu-chia tuyên bố sẽ trả lại rác thải nhập khẩu bị phát hiện cho Mỹ và Ca-na-đa – các nước ASEAN phát động trận đánh chặn “rác thải nước ngoài”

19-07-2019 14:39:50(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Các nước Đông Nam Á đồng loạt phát động trận đánh chặn “rác thải nước ngoài”. Người phát ngôn Bộ Môi trường Cam-pu-chia cho biết, ngày 16/7, tại cảng tỉnh Xi-ha-núc Vin, Hải quan Cam-pu-chia phát hiện 83 công-ten-nơ đựng đầy rác thải, trong đó có 70 công-ten-nơ đến từ Mỹ, 13 đến từ Ca-na-đa. Quan chức Cam-pu-chia ngày 17/7 cho biết sẽ vận chuyển 1.600 tấn rác thải nhựa bị phát hiện về Mỹ và Ca-na-đa. 

Tại Hội nghị Nội các tuần trước, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun-xen từng cho biết, Cam-pu-chia không phải bãi rác của các nước khác, tuyệt đối không cho phép nhập khẩu bất cứ rác thải nhựa hoặc rác thải tái chế nào. Người phát ngôn Bộ Môi trường Cam-pu-chia nêu rõ, Chính phủ Cam-pu-chia phản đối nhập khẩu rác thải nhựa để tái chế và tái sử dụng, Chính phủ đã thành lập ủy ban chuyên môn, điều tra các công-ten-nơ nói trên đi vào Cam-pu-chia qua kênh nào. Ông nhấn mạnh, bất cứ cá nhân và công ty nào tham gia nhập khẩu chất thải nhựa đều sẽ bị trừng phạt theo pháp luật.

Tin cho hay, năm 2018, các nước ASEAN nhập khẩu 27% rác thải nhựa và điện tử của cả thế giới, là nơi bán tháo rác thải nhựa chủ yếu của các nước phương Tây. Một phần phế liệu nhựa mà các nước ASEAN nhập khẩu được tái chế và tái sử dụng, nhưng, do năng lực quản lý và xử lý phế liệu rắn cũng như trình độ sử dụng tuần hoàn của những nước tiếp nhận phế liệu nhựa vẫn còn khoảng cách xa so với tiêu chuẩn quốc tế, đại đa số phế liệu nhựa được xử lý theo cách chôn lấp hoặc thiêu hủy phi pháp, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân và môi trường sinh thái xung quanh.

Rác thải nước ngoài gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, buộc các nước ASEAN đồng loạt áp dụng biện pháp kiềm chế, ngoài lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa ra, một khi phát hiện có hành vi nhập khẩu vi phạm quy định, toàn bộ rác thải sẽ bị trả lại cho nước xuất xứ. Thái Lan cấm nhập khẩu rác thải nhựa trước năm 2021, Chính phủ Ma-lai-xi-a và Việt Nam đã đình chỉ cấp giấy phép nhập khẩu rác thải nhựa. Cách đây không lâu, Bộ trưởng Môi trường Ma-lai-xi-a tuyên bố sẽ vận chuyển toàn bộ phế liệu nhựa nhập khẩu về 14 nước xuất xứ, trong đó bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a và Anh. Trước đó, Phi-li-pin cũng ra lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Cam-pu-chia hiện cũng nối bước, tuyên bố sẽ trả lại 1.600 tấn rác thải nhập khẩu bị phát hiện về Mỹ và Ca-na-đa. Điều này có nghĩa là, các nước ASEAN đã phát động trận đánh chặn nhằm vào rác thải nước ngoài.

Theo số liệu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, thế giới hàng năm phát sinh khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, đại đa số bị chôn lấp, thiêu hủy hoặc đổ ra biển, dẫn đến hạt nhựa nhỏ gây ô nhiễm biển, đã diễn biến thành cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường biển ngày càng cam go. Tháng 5/2019, 187 nước đạt được nhận thức chung về đưa việc quản lý phế liệu nhựa vào “Công ước Ba-den” – công ước quốc tế nhằm kiềm chế phế liệu có hại chuyển dịch qua biên giới, công ước này trao quyền cho các nước ngăn chặn nhập khẩu rác thải nhựa bị ô nhiễm hoặc khó tái chế.

 

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập